Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

HÀ NỘI : LỄ HỘI GÒ ĐỐNG ĐA

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.


Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Cửa đình làng Khương Thượng từ tinh mơ đã mở rộng, khói hương lan toả. Trước đình treo một lá cờ lớn chào mừng ngày hội của cả làng.

Hơn 200 năm trước (1789), nơi đây là một chiến trường đẫm máu. Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta kể từ đó, đồng thời còn là một chứng tích về sự thất bại nhục nhã của kẻ thù phương Bắc xâm lược.

Vào buổi sáng ngày hội, các vị chức sắc và bô lão trong làng đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Đến gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, người ta tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Đám rước dài, rực rỡ sắc màu trông rất đẹp mắt, diễu hành chậm rãi, trật tự để cho dân chúng có thể chiêm ngưỡng tỉ mỉ bức tượng hoành tráng của lễ hội.


Nhưng hấp dẫn và trẻ trung hơn cả là tốp đi sau cùng với "Con Rồng lửa". Thanh niên hai làng Đồng Quang và Khương Thượng đua nhau bện rơm thành hình những con rồng lớn và trang trí bằng mo cau và giấy bồi. Một tốp thanh niên mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước Rồng lửa và biểu diễn côn quyền nhằm tái hiện lại hình cảnh của chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn. Đây là một trò diễn độc đáo của lễ hội gò Đống Đa.

Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Do đó, hàng năm, các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Quốc kỳ và cờ của ngày hội thi nhau bay phấp phới như chào đón du khách muôn phương. Nằm đối diện vời gò là chùa Đồng Quang cũng toả hương khói nghi ngút, tấp nập kẻ vào ra. Tai chùa, các sư làm cháo cúng lên các cô hồn của quân giặc như một hành động nhân nghĩa truyền thống của đạo đức nhân dân ta. Còn trước tượng vua Quang Trung, nhân dân cũng tới dâng hoa và tưởng niệm rất đông.


Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà. Quê hương Của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là ở quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ở đây, nhân dân cũng xây nhà thờ ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Hàng năm, cũng vào ngày 5 tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống... rất đặc sắc. Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan.

Ngày nay, đi dự hội Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Theo: Thamhiemvietnam.com

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

TƯNG BỪNG LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TRÊN SÔNG CÀ TY, TP PHAN THIẾT

Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về , dòng Cà Ty lại được khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ cờ hoa để hòa mình vào không khí vui tươi của đất trời qua hội đua thuyền mừng xuân. Hội đua thuyền, nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân Phan Thiết , Bình Thuận được tổ chức vào mồng 2 Tết hàng năm thu hút hàng chục ngàn người đến xem. Theo các nhà nghiên cứu, đua thuyền xuất xứ từ loại hình nghệ thuật nghi thức lễ chèo Bả trạo- loại hình văn hóa kết hợp giữa tín ngưỡng thờ cá Voi và tín ngưỡng thờ thần Đất, thần Sông. Giải đua thuyền truyền thống được tổ chức hàng năm nhân dịp đón Tết Nguyên đán ở Bình Thuận. Đây cũng là nơisản sinh ra nhiều tay đua thuyền cho đội đua thuyền cấp quốc gia và khu vực. Không những tổ chức đua thuyền mà còn có cả đua thúng.Vận động viên đua thúng tranh tài ở cự ly 500m. Đua thuyền có hai cự ly: Đồng hàng 500m và quay vòng 1.700m. Ở cả hai nội dung, chín thuyền đại diện cho chín phường, xã ven biển Phan Thiết, được chia thành ba bảng thi đấu vòng lọai, chọn ba thuyền về nhất vào thi đấu chung kết. Những guồng tay rắn chắc của các vận động viên cũng là những ngư phủ thực thụ, nhịp nhàng đưa thuyền rẽ sóng phăng phăng về đích như là biểu trưng của một Phan Thiết, Bình Thuận đang nỗ lực vượt qua các lực cản, phấn đấu đưa rẻo đất ven biển cực Nam Trung Bộ này nhanh chóng vươn lên cùng cả nước.

Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty, là Lễ hội truyền thống của người dân miền biển Phan Thiết mỗi dịp Xuân về. 

NDĐT - Chiều 29-1, tức mùng hai Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty lại được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thể thao lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân miền biển Phan Thiết mỗi dịp Xuân về. 

Lễ hội đua thuyền ở TP Phan Thiết quy tụ các đội đến từ các phường, xã ven biển. Tham gia lễ hội đua thuyền năm nay có chín đội của chín phường, xã trong thành phố với 225 vận động viên đua thuyền (mỗi đội 25 vận động viên). Ở nội dung đua thuyền, các đội tham gia thi đấu ở hai cự ly: đua thuyền nam đồng hàng 500 mét và đua thuyền nam quay vòng 1.700 mét. Ở cả hai nội dung đua thuyền, chín đội được chia làm ba bảng thi đấu vòng loại, đội nhất mỗi bảng vào thi đấu chung kết. Ngoài đua thuyền, thi bơi thúng cũng là nội dung không thể thiếu trong chương trình của Lễ hội. Năm nay, thi bơi thúng có các thể thức: chèo đơn, chèo đôi và quấy thúng với sự tham gia của 24 thúng.

Đây là lễ hội đặc trưng của người dân miền biển, là một trong những hoạt động thể thao lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân mỗi dịp Xuân về. Lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân ở trong vùng, các địa phương lân cận, cũng như khách du lịch thập phương và quốc tế.

Dòng sông Cà Ty yên ả, hiền hòa vang dội bởi tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người xem. Những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước lao trên dòng nước trong xanh trong tiếng hò dô vang dội, nhịp nhàng của các tay chèo. Sự cổ vũ hết mình của người xem đã tiếp thêm sức cho các vận động viên cố gắng tối đa khả năng của mình. Sự thành công của một đội đua được quyết định bởi sự đồng lòng, đoàn kết, hợp sức của các vận động viên trên thuyền.

Kết quả, giải nhất nội dung đua thuyền nam đồng hàng 500 m thuộc về đội thuyền của phường Phú Tài, đội phường Đức Nghĩa đoạt giải nhì và giải ba thuộc về đội phường Bình Hưng. Ở nội dung đua thuyền nam quay vòng 1.700 mét, đội phường Lạc Đạo đã giành giải nhất, giải nhì thuộc về đội phường Phú Tài và giải ba thuộc về đội phường Bình Hưng.


Đua Thúng!


Ganh đua từng chút một!

Quang cảnh đua thuyền nhìn từ trên cao!

Chèo nhịp nhàng và thật mạnh mẽ! 

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

SẮP DIỄN RA LỄ HỘI VĂN HÓA THẾ GIỚI TP. HỒ CHÍ MINH-GYEONGJU

Chào mừng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2017), từ ngày 11/11 đến 3/12, Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh-Gyeongju 2017 với nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc giữa Việt Nam-Hàn Quốc.


Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gyeongsangbuk chủ trì buổi họp báo. 

(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 25/10, ông Đoàn Tuấn Linh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là lễ hội giao lưu văn hóa quan trọng do Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thông qua lễ hội, Ban tổ chức mong muốn tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam-Hàn Quốc, thúc đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa giữa hai nước. 

Thêm vào đó, lễ hội là dịp để bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc hơn về con người và đất nước Việt Nam phát triển, năng động, mến khách đồng thời, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia Việt Nam-Hàn Quốc, cũng như quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc.

Chia sẻ về lễ hội, ông Kim Jang Joo, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk-do cho biết đây là lễ hội tiêu biểu nhất của Hàn Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998. Trong suốt 8 lần tổ chức, lễ hội đã thu hút khoảng 17 triệu lượt người tham quan. 

Ông Kim Jang Joo nhấn mạnh Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều mối quan hệ tương đồng, nhiều điểm chung trong văn hóa và lịch sử lâu đời. Do vậy, trong lần tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tới đây, lễ hội sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển và bền vững hơn. 

Theo ban tổ chức, Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh-Gyeongju 2017 sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Hòa Bình, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh… 

Lễ khai mạc được tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ vào ngày 11/11 với sự tham dự của hơn 1.200 khách mời đến từ hơn 15 quốc gia trên thế giới. Lễ bế mạc Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh-Gyeongju 2017 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình vào ngày 3/12.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, hàng loạt các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm truyền thống và địa điểm du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gyeongsangbuk-do sẽ diễn ra; biểu diễn Taekwondo và Võ cổ truyền Việt Nam; triển lãm các sản phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh được xuất khẩu sang Hàn Quốc...

Lễ hội văn hóa thế giới Gyeongju là sự kiện văn hóa quy mô lớn do tỉnh Gyeongsangbuk-do tổ chức 2 năm/lần, theo chu kỳ 2 năm ở Hàn Quốc và 2 năm tiếp theo sẽ được tổ chức ở nước ngoài. Đến nay, lễ hội đã được tổ chức 6 lần tại Hàn Quốc và 2 lần diễn ra ở Campuchia (năm 2006), Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2013). 

Dự kiến, Lễ hội văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh-Gyeongju 2017 sẽ thu hút khoảng 800.000 lượt khách tham dự, bao gồm người dân Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Hàn Quốc và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Nguồn: TTXVN

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Nhật Bản - điểm đến cho những tâm hồn hoài cổ

Narita, Tokyo và Osaka với khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng, nhiều lễ hội độc đáo là một phần không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá xứ sở Phù Tang.


Thành phố Narita thuộc tỉnh Chiba, phía Đông Nam Tokyo mang vẻ đẹp yên bình, cổ kính, rất hợp với những tâm hồn hoài cổ.

Từ sân bay về nhà ga trung tâm Narita chỉ mất 10 phút đi tàu hoặc xe buýt. Từ đây, du khách chỉ mất thêm 15 phút đi bộ đến Shinshoji - ngôi chùa cổ nghìn năm nổi tiếng với kiến trúc, nghệ thuật chạm trổ công phu.

Thành phố Narita còn có công viên Naritasan rộng hơn 16 ha với thảm thực vật xanh tốt phủ kín và hồ nước tĩnh lặng. Nhiều người đến đây săn ảnh mùa lá đỏ khi Nhật Bản vào thu, cũng như thưởng thức sắc hồng lãng mạn của hoa anh đào khi tiết trời vào xuân.

Đừng quên ghé thăm khu nhà cổ Sawara đậm nét u hoài của Nhật Bản xa xưa nằm dọc dòng sông Ono, sau đó thưởng thức món cơm lươn trứ danh tại tuyến phố Omote-sando.

Rời Narita yên bình, du khách tìm đến với thủ đô Tokyo sôi động. Ngồi tàu khoảng 40-60 phút, trái tim của nước Nhật hiện ra náo nhiệt và rực rỡ với những tòa nhà chọc trời. Từ tháp Tokyo, nơi được mệnh danh tháp Eiffel của châu Á với chiều cao 332,6m, bạn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn quang cảnh xung quanh.

Thủ đô của đất nước mặt trời mọc còn có rất nhiều điểm tham quan, lễ hội kéo dài từ thu sang xuân. Giữa tháng 11, đền Meiji Jingu và chùa Asakusa Kannon sẽ diễn ra lễ hội Hoa cúc.

Bước sang Giáng Sinh và đầu năm mới, Tokyo lộng lẫy bởi bức tranh ánh sáng từ hàng triệu bóng đèn led khắp các khu trung tâm như khu tổ hợp Tokyo Midtown, Omotesando Hills hay vườn Rikugien.

“Vườn ngự uyển” Shinjuku Park nằm ở trung tâm Tokyo cũng không thể thiếu trong check-list. Với hàng nghìn cây hoa anh đào cổ thụ niên đại hàng chục năm, đây là điểm “sống ảo” tuyệt vời mỗi khi xuân về. Vào mùa đông, tuyết phủ trắng xóa tạo nên khung cảnh nên thơ, hợp với những trái tim mơ mộng.

Núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản với đỉnh quanh năm phủ tuyết trắng, cảnh quan hùng vĩ, cùng nhiều hoạt động như leo núi, tắm suối nước nóng. Không cần phải đi 2-3 tiếng ngồi tàu hay xe buýt, chỉ cần từng từ một điểm tầm cao ở Tokyo, bạn vẫn có thể cảm thấy "mê mẩn" với nét đẹp từ ngọn núi nổi tiếng này.

Chuyến hành trình đến Nhật Bản không thể bỏ qua Osaka - một bản nhạc hòa trộn giữa chất cổ xưa và hiện đại. Tuy được mệnh danh là “thành phố ăn chơi” với đầy đủ dịch vụ giải trí, nơi đây vẫn dễ dàng gây thương nhớ cho những tâm hồn lãng mạn bởi cảnh quan và hệ thống đền đài, chùa chiền cổ kính.

Lâu đài Osaka là di tích lịch sử biểu tượng của thành phố, nằm trong khu đất rộng một km vuông, được xây trên hai bệ đá cao tựa vào vách tường đá dựng đứng, bao quanh bởi hai con hào. Lâu đài trung tâm có 5 tầng ở phía ngoài và 8 tầng ở phía trong, tọa lạc trên một tảng đá cao để bảo vệ người trong thành chống lại những kẻ tấn công dùng kiếm.

Đền Taiheji là khu đền thờ trứ danh nhất ở Osaka, tương truyền là nơi dừng chân thứ 13 của Phật. Các gia đình Nhật khi có con lên 13 tuổi, vào 2 ngày 13, 14 tháng 3 hàng năm thường dẫn con đến viếng vùng đất thánh để được phù hộ.

Bước sang mùa xuân, Osaka là thước phim hoành tráng của ánh sáng và hoa anh đào khoe sắc. Điểm chính nằm ở công viên Lâu đài và khu trung tâm thành phố.

Osaka còn nổi tiếng bởi Kaiyukan, thủy cung rộng 160 hecta. Đây là không gian sống của 35.000 loài sinh vật biển trong 14 bể nước lớn, tái hiện đại dương huyền ảo.

Từ đây đến cuối năm, Nhật Bản còn có nhiều hoạt động thú vị như lễ hội Lửa tại đền Yuki - Kyoto, lễ hội Rước kiệu Okunchi tại đền Karatsu ở Saga. Ngày đông có lễ hội tuyết Sapporo tại Hokkaido, lễ hội đèn lồng tuyết Uesugi... Mùa xuân là mùa của lễ hội Đi trên lửa Hiwatari, lễ hội Búp bê. Lễ hội thi đấu Sumo sẽ diễn ra vào giữa tháng 3 tại Osaka, cũng là lúc hoa đào bung nở.


Giang Thư Quân

Halloween kỳ bí trên đỉnh Bà Nà

Diễn ra từ 1/10 đến 31/10, lễ hội Halloween tại Sun World Ba Na Hills với chủ đề “Xứ sở thần tiên” mang đến cho du khách trải nghiệm khác lạ với cuộc hội ngộ các nhân vật cổ tích.

Không tập trung khai thác yếu tố rùng rợn hay sử dụng những trang phục ma quỷ như Halloween nguyên bản tại phương Tây, Sun World Ba Na Hills hướng đến một Halloween khác biệt. Hàng vạn trái bí từ khổng lồ đến tí hon đã được sử dụng để kết đính lên ngôi nhà cổ tích hay cỗ xe bí vàng, bí bạc… Gam vàng rực từ bắp và bí ngô mang đến diện mạo tươi mới, tràn đầy sức sống cho mỗi bức ảnh check-in tại Bà Nà.

Thêm vào đó, du khách còn ngỡ ngàng với các bối cảnh tái hiện 4 câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới: “Cô bé Lọ Lem”, “Aladdin và Cây đèn thần”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Alice ở xứ sở diệu kỳ”. Trong khung cảnh ấy, các câu chuyện được kể lại bằng ngôn ngữ của âm nhạc và nhảy múa, do các nghệ sĩ châu Âu trình diễn trong khoảng thời gian 10h-15h hàng ngày.

Câu chuyện cổ tích về cô bé Lọ Lem cùng đôi hài thủy tinh chinh phục trái tim chàng hoàng tử được tái hiện bên thánh đường Sants Denis với chiếc giày thủy tinh khổng lồ, cỗ xe bí ngô lãng mạn.

Trích đoạn gay cấn trong “Cô bé quàng khăn đỏ” vì không nghe lời mẹ nên suýt bị chó sói ăn thịt, lấy bối cảnh tại ngôi nhà của bà ngoại khăn đỏ được kết bằng bí, táo và ngô.

Chui qua hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên cùng những sinh vật kỳ lạ, câu chuyện “Alice ở xứ sở diệu kỳ” đưa du khách đến với cuộc phiêu lưu khác lạ, gặp gỡ nhiều nhân vật cá tính.

Chàng Aladdin do nghệ sĩ châu Âu đóng vai, trình diễn màn cưỡi thảm bay ly kỳ trên không trung, qua những tòa lâu đài… khiến không ít du khách ngạc nhiên và thích thú.

Với những du khách muốn thử thách lòng can đảm, “Ngôi mộ cổ Andriia” tại tầng B3 khu vui chơi trong nhà Fantasy Park mang đến nhiều bí mật không thể bỏ lỡ. Các nghệ sĩ hóa thân thành “ma công nhân” làm việc trong hầm mỏ tối tăm, dẫn du khách vào thế giới địa ngục, mở ra nhiều khung cảnh với cấp độ rùng rợn và ma mị tăng dần. Tiếp nối chuỗi sự kiện đặc sắc trong năm như lễ hội carnival, lễ hội rượu vang, lễ hội bia B’estival, Sun World Ba Na Hills tiếp tục mang đến Halloween với nhiều trải nghiệm khó quên vói mong muốn trở thành điểm đến của những lễ hội hấp dẫn dành cho du khách.

Sơn Trà

Đi ngắm Chiang Mai rực sáng trong lễ hội Loy Krathong

Tháng 11 sắp đến, Chiang Mai lại chuẩn bị rực sáng với hàng nghìn chiếc đèn lung linh phủ kín bầu trời như trong phim 'Công chúa tóc mây'.

Với người Thái, Loy Krathong (“loy”: trôi, “krathong”: đèn hoa đăng) là dịp để thể hiện lòng cảm tạ tới Nữ thần Nước Phra Mae Khongkha đã mang đến cho con người sự sống cũng như xin thần thứ tội vì những việc làm khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Lễ hội Loy Krathong năm nay sẽ diễn ra từ 2/11-4/11. Ảnh: Nirvanapeace. 

Loy Krathong diễn ra trên khắp Thái Lan, nhưng quy mô hoành tráng nhất là tại 4 tỉnh thành: Sukhothai, Bangkok, Ayutthaya, và Chiang Mai. Krathong truyền thống là những chiếc thuyền thủ công nhỏ làm từ thân cây chuối. Nhưng ngày nay, người ta thường dùng xốp styrofoam hoặc bánh mì để đèn tự phân hủy sau vài ngày hoặc cá có thể ăn. Ảnh: Thailand Travel .

Chiang Mai thường thu hút đông du khách bởi nghi lễ khác biệt - thả đèn trời Yi Peng (Yi: hai, Peng: ngày trăng tròn). Trong lễ hội, tại nhà dân và khắp các nơi công cộng, những chiếc đèn sáng rực sẽ được thả bay lên không trung suốt đêm. Hành động này tượng trưng cho việc gạt đi những muộn phiền và buồn đau năm cũ. Các Phật tử cũng tin rằng, những điều bạn ước nguyện trong lúc thả đèn sẽ trở thành sự thật nếu bạn thực hiện những điều tốt lành trong năm sau. Ảnh: Beboy Photographies.

Song song với thả đèn trời là hoạt động thả đèn hoa đăng. Điểm thả đèn đông và choáng ngợp nhất chính là cầu Nawarat ngang sông Ping. Đi dọc khắp bờ sông Ping, bạn sẽ thấy krathong trôi lấp lánh bên chùa Chai Mongkhon, Lok Mo Lee... Bên cạnh lễ thả đèn là các sự kiện diễu hành, bắn pháo hoa, thi sắc đẹp... Ảnh: Gde-Fon. 

Trong suốt lễ hội, khắp Chiang Mai được bao phủ bởi đèn lồng. Những chiếc đèn đầy màu sắc được trang trí tại Tượng đài Three Kings, Cổng Thapae và tại tất cả cổng bao quanh khu phố cổ. Cổng trước của các đền chùa và hộ gia đình được trang trí bằng lá dừa và hoa. Ảnh: Wallpapersdsc. 

Đèn lồng được bán ở rất nhiều địa điểm khác nhau quanh thành phố Chiang Mai. Giá của mỗi krathong và đèn lồng dao động từ 30-100 baht tùy thuộc kích cỡ. Có 4 loại đèn lồng chính: khom kwaen (đèn treo), khom thue (đèn treo que nhỏ hoặc cầm tay), khom pariwat (đèn quay) và khom loy/khom fai (đèn bay bằng khí nóng). Ảnh: Lifestyle Asia. 

Ngoài lễ hội chính thức được tổ chức miễn phí trong 3 ngày, du khách có thể tham gia lễ hội riêng diễn ra tại Đại học Mae Jo. Sự kiện này thường diễn ra một tuần sau lễ hội Yi Peng chính thức nhưng bạn phải đặt vé trước với giá 100-300 USD gồm: một phần đồ ăn kiểu Lanna, 2 lồng đèn Dhammachai, một krathong, một bộ đồ lưu niệm cùng xe buýt khứ hồi. Ảnh: O2 Travel.

3h chiều là thời gian lý tưởng bạn nên có mặt tại Mae Jo để tránh kẹt xe và dành được vị trí tốt cho việc quan sát lễ hội. Để tới Mae Jo, bạn có thể đi songthaew hoặc tuk tuk, nhưng nhớ thỏa thuận giá trước khi lên xe và hẹn giờ để tài xế quay lại đón bạn. Nếu có giấy phép lái xe quốc tế, bạn có thể thuê một chiếc xe máy để tự do di chuyển hơn. Ảnh: Carl's Captures.

Chiang Mai có những món ăn thuộc vào hàng ngon nhất Thái Lan. Trong số đó, khao soi – mì xào giòn với điểm nhấn cà ri là món ăn đặc trưng ở đây - thường có giá khoảng 40 baht/tô. Ngoài ra, còn có không ít những cái tên hấp dẫn khác mà bạn có thể thử qua như: khan toke, sai oua, gaeng hang lay, miang kham, larb kua… Ảnh: Chiang Mai.

Được xem là “mẹ đẻ” của chợ trời Chiang Mai, khu chợ đêm Night Bazaar chính là kho hàng lưu niệm vừa xinh xắn vừa vô cùng phong phú mà bạn sẽ muốn dừng chân ghé qua. Chưa kể, chợ còn có khu vui chơi giải trí với nhiều quán ăn và cà phê phục vụ nhạc sống. Nếu muốn thư giãn, bạn có thể ghé tiệm massage chân với giá khoảng 100 baht cho 30 phút phục vụ. Ảnh: Expedia.

Ngọc Diệp tổng hợp

Trẻ em Hà thành vui đón Trung thu truyền thống

Lễ hội “Mùa trăng yêu thương 2017” diễn ra tại TNR Goldmark City thu hút hàng nghìn cư dân dự án và khu vực lân cận đến tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức văn nghệ…


Đến với lễ hội, các em nhỏ được gợi nhắc về Tết đoàn viên truyền thống của những thế hệ đi trước qua chuỗi hoạt động làm bánh trung thu, vẽ mặt nạ, nặn tò he, làm lồng đèn, rước đèn… Qua đó, chủ đầu tư TNR Goldmark City và đơn vị quản lý vận hành TNR Holdings Việt Nam mong muốn mang đến sân chơi lành mạnh cho trẻ, góp phần giữ vững nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.


Những trò chơi vận động tập thể đã đem đến không khí sôi động cho lễ hội. Các bé được dịp thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn qua trò chơi nhảy bao bố.


Trong khi đó, trò chơi kéo co truyền thống là lúc để các em nhỏ vận dụng tinh thần đồng đội, sự đoàn kết và khả năng phối hợp nhịp nhàng.


Bên cạnh những hoạt động thường thấy là các gian hàng trò chơi mới mẻ, nhiều màu sắc, đầy thu hút. Nổi bật trong đó là khu vực làm bóng nghệ thuật, tô tượng…


Sự góp mặt của ban nhạc đường phố với chiếc mũ bong bóng trên đầu cũng thu hút sự chú ý của người tham dự lễ hội.


Lễ hội còn có nhiều chương trình ca múa nhạc sôi động. Trong đó, màn ảo thuật đẹp mắt đầy lôi cuốn đối với dàn khán giả nhí.


Đêm Trung thu đáng nhớ không thể thiếu sự xuất hiện của chú Cuội quen thuộc trong câu chuyện dân gian mà bà, mẹ thường hay kể. Phần giao lưu nhiệt tình giữa chú Cuội và các em nhỏ đã khép lại sự kiện “Mùa trăng yêu thương 2017” đáng nhớ.

Giang Thư Quân